Châu Phi đối mặt các thách thức kinh tế

Admin
Các nền kinh tế châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng của các đối tác thương mại chính như Trung Quốc, các nước châu Âu và Mỹ... Tình trạng suy thoái kinh tế và thất nghiệp cũng khiến nhiều nước trong khu vực đối mặt khó khăn chồng chất, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ở châu Phi.
Xếp hàng chờ mua nước sinh hoạt ở Buốc-ki-na Pha-xô. Ảnh TRT WORLD Xếp hàng chờ mua nước sinh hoạt ở Buốc-ki-na Pha-xô. Ảnh TRT WORLD

Các nền kinh tế ở phía nam sa mạc Xa-ha-ra của châu Phi vốn mong manh, lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn do dịch Covid-19. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lần đầu sau 25 năm, khu vực phía nam sa mạc Xa-ha-ra dự báo sẽ phải trải qua sự suy thoái kinh tế trầm trọng. Sau khi đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2019, suy thoái kinh tế ở khu vực này dự kiến sẽ ở mức khoảng từ âm 2,1% đến âm 5,1% trong năm 2020. Hai nền kinh tế lớn nhất ở khu vực là Nam Phi và Ni-giê-ri-a, cũng như Ăng-gô-la, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai ở châu Phi, dự báo sẽ bị suy thoái nghiêm trọng, ở mức từ 6 đến 7% do giá nguyên liệu thô xuất khẩu giảm. GDP thực tế có thể giảm mạnh tại ba nền kinh tế lớn nhất khu vực này do tăng trưởng và đầu tư liên tục giảm sút. Dịch bệnh cũng sẽ khiến giá trị sản xuất của khu vực chịu tổn thất ước tính từ 37 tỷ USD đến 79 tỷ USD. Các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ chịu tác động nặng nề, trong khi tăng trưởng của Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi cũng như Cộng đồng Đông Phi có thể sụt giảm đáng kể.

Châu Phi cũng đối mặt cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, với sản lượng lương thực được dự báo giảm 2,6%, thậm chí có thể lên tới 7%, do giao thương bị phong tỏa. Nhập khẩu lương thực sẽ giảm đáng kể từ 13 đến 25% do giá cao và nhu cầu nội địa giảm sút. Trong khi đó, theo Liên minh châu Phi (AU), khoảng 20 triệu việc làm tại châu lục gồm 1,3 tỷ dân này bị đe dọa, nhất là tại các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch và khai thác dầu. Hàng triệu việc làm bị mất, nợ gia tăng và kiều hối giảm là những khó khăn kinh tế mà các quốc gia châu Phi có thể phải đối mặt. Châu Phi bắt đầu cảm nhận những tác động đối với nền kinh tế khi chứng kiến mức sụt giảm 35% trong kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá khoảng 270 tỷ USD.

Khi ngân sách cạn kiệt, các chính phủ ở châu Phi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào các thị trường nước ngoài, dẫn tới nguy cơ nợ chồng chất. Các nhà lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực giảm bớt những tác động kinh tế do đại dịch gây ra. Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a A.A-mét kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo điều kiện giảm nợ và viện trợ khẩn cấp 150 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó dịch. WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang đẩy nhanh việc cung cấp quỹ khẩn cấp cho các nước châu Phi cũng như những nước khác nhằm đối phó dịch bệnh cũng như giảm tác động từ việc phong tỏa. Bên cạnh đó, các thể chế tài chính cũng kêu gọi Trung Quốc, Mỹ và các chủ nợ song phương khác tạm thời giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất, trong đó có nhiều nước ở châu Phi, để họ có thể sử dụng nguồn vốn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm bớt tác động tài chính.

Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã ra mắt quỹ ứng phó dịch Covid-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia trong châu lục những công cụ tài chính cần thiết. AfDB cho biết sẽ phân bổ 5,5 tỷ USD tới chi nhánh tại các nước trong châu lục, đồng thời ủy nhiệm việc quản lý khoản tiền 3,1 tỷ USD cho Quỹ Phát triển châu Phi (ADF) - một bộ phận trực thuộc AfDB chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các quốc gia nghèo. Bên cạnh đó, AfDB sẽ dành khoản tài chính trị giá 1,3 tỷ USD hỗ trợ riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân tại châu Phi. Chủ tịch AfDB A.A-đe-xi-na nhấn mạnh, ngân hàng này sẽ huy động mọi nguồn lực hiện có để hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong thời khắc “sinh tử” này.