Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, DANG BO TINH HUNG YEN

Admin
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên

Nguyên tắc bầu cử là các quy tắc, nguyên lý chỉ đạo được áp dụng cho quyền bầu cử của chủ thể (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc bầu cử là điều kiện được quy định bởi pháp luật bầu cử của mỗi quốc gia, mà việc thực hiện và tuân thủ quy định đó trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Nguyên tắc bầu cử được thể hiện chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.

Các nước trên thế giới áp dụng các nguyên tắc bầu cử sau: tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp (gián tiếp) và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc đó thống nhất với nhau, đảm bảo cho cuộc bầu cử được khách quan, dân chủ, thực hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn đại biểu.

Ở Việt Nam, các nguyên tắc bầu cử dân chủ được kế thừa, bổ sung và phát triển qua từng thời kỳ lịch sử, nhất là qua 5 bản Hiến pháp.

Ngay sau khi thành lập Chính phủ lâm thời, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 14 về mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại biểu. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam, đó là “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Tiếp sau đó, ngày 17/10/1945, Sắc lệnh số 51 ấn định thể lệ tổng tuyển cử, trong đó xác định rõ “Tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ ra những người này: (1) Những người điên: những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định. (2) Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định. (3) Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà”.

Trên cơ sở đó, ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Ngày 02/3/1946, Quốc hội đã họp kỳ họp đầu tiên. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 403 đại biểu với nhiều thành phần như: công nhân, nông dân, viên chức, trí thức, quân nhân cách mạng. Quốc hội khóa I cũng đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Việt Nam, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử ở Việt Nam mà trước đó được thông qua bởi các sắc lệnh nói trên, đó là: “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín” (Điều thứ 17). Như vậy, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận 04 nguyên tắc của bầu cử có những khác biệt so với giai đoạn sau, chế độ bầu cử là phổ thông, đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, theo Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời chia thành 2 miền; việc thống nhất đất nước sẽ do chính quyền 2 miền hiệp thương trong vòng 5 năm, nhưng trên thực tế, Hiệp định này bị phá hoại. Miền Nam với sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã thành lập ra Chính phủ Việt Nam cộng hoà. Miền Bắc thực hiện cải tạo và xây dựng XHCN. Với một cơ cấu chính trị thay đổi, nhiệm vụ cách mạng thay đổi (độc lập dân tộc và CNXH), đặt ra nhu cầu phải ban hành Hiến pháp mới. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp 1959 vào ngày 31/12/1959. Điều 5, Hiến pháp 1959 quy định “Việc tuyển cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Các nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín vẫn tiếp tục được ghi nhận trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 và Pháp lệnh bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này trở đi, nguyên tắc bầu cử tự do được thay thế bằng nguyên tắc bình đẳng, mà bình đẳng thì đã có trong nội hàm của nguyên tắc phổ thông.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, nước ta đã hoàn toàn thống nhất.     Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra đường lối xây dựng và bảo vệ trong phạm vi cả nước, đồng thời xác định: Để khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thể chế hoá đường lối của Đảng, chúng ta phải xây dựng bản Hiến pháp mới. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI ngày 18/12/1980 đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1980. Chế độ bầu cử giai đoạn  này được quy định tại Điều 7 Hiến pháp “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cử tri có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu đại biểu đó không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” và cụ thể trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1983, 1989 với một số điểm đáng lưu ý là quy định về hiệp thương, một thủ tục nhằm cơ cấu, lựa chọn ra ứng cử viên, quy định này vẫn chi phối tiến trình bầu cử ở Việt Nam cho đến hiện nay. Ngoài ra, việc miễn nhiệm đại biểu khi họ không còn xứng đáng với cử tri cũng được cụ thể hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980 và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1983.

Từ năm 1992, nguyên tắc bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1992: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.” Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội các năm 1992, 1997 (sửa đổi các năm 2001, 2007, 2010); Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1994, 2003 và hiện tại là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015. Theo đó, nguyên tắc bầu cử được xác định tại điều 1 “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Hiến pháp năm 2013 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 tiếp tục giữ nguyên các nguyên tắc của bầu cử, gồm: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”

Như vậy, trải qua 5 bản Hiến pháp qua các thời kỳ, các nguyên tắc bầu cử ở nước ta cơ bản không thay đổi nhiều, gồm bốn nguyên tắc, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Nguyên tắc phổ thông

Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức các cuộc bầu cử, là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá mức độ dân chủ của bầu cử. Cuộc bầu cử càng được mở rộng cho nhiều người tham gia bao nhiêu càng thể hiện mức độ dân chủ bấy nhiêu.

Cuộc bầu cử phổ thông là cuộc bầu cử được tổ chức cho nhiều người tham gia, tức là một hoạt động phổ cập, không hạn chế đối với bất kỳ một đối tượng công dân nào, nếu con người đạt mức độ trưởng thành hoàn chỉnh về mặt nhận thức, theo luật định là đạt 18 tuổi (trừ một số trường hợp đặc biệt đã nêu trong luật).

Ngay từ thời non trẻ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã áp dụng nguyên tắc bầu cử phổ thông cho mọi công dân Việt Nam. Nguyên tắc này đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó và được ấn định trong các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013. Đáng chú ý, quyền bầu cử phổ thông của nhà nước XHCN Việt Nam khác với quyền bầu cử phổ thông của nhà nước tư sản, không những bằng việc không quy định hạn chế tiêu chuẩn người tham gia bầu cử, trừ việc quy định hạn chế ở dưới mức tuổi trưởng thành, mà còn quy định sự tham gia bầu cử của tất các các quân nhân đang tại ngũ. Hạn chế việc tham gia của quân đội vào các cuộc bầu cử là đặc trưng của chế độ tư bản (quân đội không tham gia chính trị). Quyền bầu cử của công dân được các cơ quan phụ trách bầu cử ghi nhận trong danh sách cử tri. Tất cả mọi công dân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị pháp luật tước quyền bầu cử đều được ghi tên trong danh sách cử tri.

Để đảm bảo nguyên tắc bầu cử phổ thông, Luật bầu cử quy định hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục sự sai sót trong quá trình lập danh sách cử tri như: niêm yết danh sách cử tri bằng các phương tiện thông tin đại chúng tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi việc niêm yết để nhân dân kiểm tra danh sách cử tri; công nhận quyền kiểm tra, khiếu nại về cử tri và danh sách cử tri của công dân; công nhận quyền được giới thiệu đến bầu cử tại nơi mới đến của cử tri…

Nguyên tắc bình đẳng

Được thể hiện ở một số khía cạnh như các cử tri được tham gia vào việc bầu cử, có quyền và nghĩa vụ như nhau; các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử theo tỷ lệ như nhau; kết quả bầu chỉ phụ thuộc vào số phiếu mà cử tri bỏ phiếu cho mỗi ứng cử viên, là cơ sở để xác định kết quả trúng cử.

Đây là nguyên tắc đòi hỏi phải tuân thủ trong suốt quá trình tiến hành bầu cử từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi kết thúc, tuyên bố kết quả bầu cử. Mức độ dân chủ của cuộc bầu cử phụ thuộc chủ yếu vào tiến trình thực hiện nguyên tắc này. Trong một chừng mực nào đó, việc thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu cử phổ thông cũng như nguyên tắc bầu cử trực tiếp cũng là để thực hiện nguyên tắc bình đẳng và ngược lại.

Nguyên tắc này được bắt đầu bằng chia các đơn vị bầu cử cho các địa phương. Việc chia đơn vị bầu cử phải căn cứ vào dân số các địa phương và tổng số các đại biểu phải bầu. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu ra số lượng đại biểu tỷ lệ thuận với số dân của mình. Việc ấn định số lượng đại biểu phải bầu cho mỗi đơn vị dựa trên định mức bầu cử và số lượng cử tri của đơn vị bầu cử. Định mức bầu cử bằng tổng số dân số có trên lãnh thổ diễn ra cuộc bầu cử chia cho tổng số đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội phải bầu.

Để đảm bảo cho nguyên tắc này, luật đã quy định: Mỗi một cử tri được phát một phiếu bầu, giá trị của mỗi phiếu bầu là như nhau; địa vị xã hội, tài sản… của cử tri không có ảnh hưởng gì đến giá trị của phiếu bầu; không vì địa vị xã hội của mình mà cử tri không chấp hành đầy đủ các quy định về bầu cử;  mỗi cử tri chỉ được ghi tên một lần trong danh sách cử tri, chỉ được lập danh sách ứng cử viên ở một đơn vị bầu cử trong một cuộc bầu cử.

Nguyên tắc trực tiếp

 Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể, cử tri tín nhiệm người nào thì bỏ phiếu thẳng cho người ấy làm đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND không thông qua người nào khác, cấp nào khác, cũng không bầu bằng cách thức gửi thư.

Nguyên tắc trực tiếp bầu cử ra người thay mặt cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước, không thông qua một khâu trung gian nào khác là một nguyên tắc thể hiện rõ tính chất dân chủ trong sự hình thành bộ máy nhà nước. Chính nguyên tắc này cho phép người thay mặt được nhân dân trực tiếp bầu ra nhận được quyền lực nhà nước từ nhân dân.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 của Nhà nước ta hiện nay có các quy định chặt chẽ để bảo đảm cho nguyên tắc trực tiếp được thực hiện: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải được tiến hành vào ngày chủ nhật để nhân dân có điều kiện trực tiếp tham gia bỏ phiếu; trước ngày bỏ phiếu, nhân dân được thường xuyên thông báo địa điểm bỏ phiếu; cử tri phải tự mình đi bầu không nhờ người khác bầu thay hay bầu bằng cách gửi thư; không đồng ý ứng viên nào thì trực tiếp gạch tên của ứng viên đó lên phiếu bầu…

Nguyên tắc bỏ phiếu kín

Nguyên tắc này đòi hỏi cử tri khi bỏ phiếu phải tự mình viết phiếu, tự mình gạch tên người ứng cử nào mà mình không tín nhiệm ở phiếu bầu đã được in sẵn, tự mình bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu, không một người nào được xem cử tri viết phiếu. Cử tri không viết được thì nhờ người khác viết nhưng phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Nếu vì tàn tật không tự mình bỏ phiếu được thì có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm.

Ở phòng bỏ phiếu, tổ bầu cử phải kết hợp với UBND xã, phường, thị trấn bố trí nhiều nơi viết phiếu tách biệt nhau thành các buồng viết phiếu và hạn chế khả năng có mặt trong lúc cử tri viết phiếu của bất cứ ai.

Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng, áp đặt của các cá nhân hoặc tổ chức khác.

TM