Thế nào là dấu hiệu tội phạm?

Admin
Cục Quản lý thị trường An Giang

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nói chung, thẩm quyền của Quản lý thị trường nói riêng, khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Vậy, dấu hiệu của tội phạm là gì? cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự là cơ quan nào?

Dấu hiệu của tội phạm là gì?

Trước mắt, tìm hiểu khái niệm tội phạm, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự (Điều 8 BLHS).

Song song đó, chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 2 BLHS).

Như vậy, dấu hiệu của tội phạm là đặc điểm chung cho tất cả các hành vi bị coi là tội phạm. Theo luật hình sự Việt Nam, hành vi bị coi là tội phạm có 4 dấu hiệu: nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự và phải chịu hình phạt.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự là những cơ quan nào?

Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự” và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, thay cụm từ “cơ quan tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự”.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm a khoản 1 Điều 4 BLTTHS). Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự bao gồm 2 nhóm cơ quan: Một là, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Hai là, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể:

Một là, theo quy định tại Điều 34 BLTTHS, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự bao gồm 03 cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Hai là, căn cứ theo khoản 1 Điều 35 BLTTHS có quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm 07 cơ quan: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Các cơ quan của Hải quan; Các cơ quan của Kiểm lâm; Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; Các cơ quan của Kiểm ngư; Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Ngoài ra, Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự cũng quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, quy định như sau:

“Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Với trách nhiệm này thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Tóm lại, hành vi bị coi là tội phạm có 4 dấu hiệu: nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được định tội danh và phải chịu hình phạt. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì có trách nhiệm lựa chọn cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm. Sau đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.